Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Tên họ của người Nhật Bản - Trung tâm Nhật Ngữ Top Globis

Trung tâm Nhật Ngữ Top-Globis
Một trong những điểm hóc búa đối với người nước ngoài khi học tiếng Nhật và với cả người Nhật là cách đọc và viết tên họ. Vậy nhưng đây cũng chính là một nét văn hóa hết sức đặc sắc của Nhật Bản. Đi tìm nguồn gốc của những tên họ này sẽ dẫn ta đến những bất ngờ thú vị.Hệ thống đặt tên họ của Nhật Bản rất phức tạp do hệ thống chữ viết gồm một khối lượng lớn các ký tự. Do vậy có nhiều tên họ phát âm giống nhau nhưng có thể được viết theo nhiều cách bằng các ký tự khác nhau. Ngược lại, một ký tự có thể có nhiều cách đọc nên chỉ dựa vào chữ viết thì nhiều khi không biết phát âm tên họ thế nào cho đúng. Tại Nhật Bản tồn tại chừng 120.000 họ. Số lượng lớn tên họ này trái ngược với hệ thống tên họ của Triều Tiên, Trung Quốc hay Việt Nam, trong đó mỗi làng thường gồm có một cộng đồng có quan hệ ruột thịt mang cùng một họ và trên toàn quốc chỉ có khoảng vài trăm họ khác nhau.

Họ của người Nhật có từ đâu

Vào khoảng thế kỷ thứ 13, việc sử dụng tên trong người Nhật bắt đầu phổ biến. Vì vậy nên vào thế kỷ thứ 17, khi thường dân ngoại trừ các samurai vẫn bị cấm không được mang tên, tên gọi đã được sử dụng tương đối rộng rãi, trong khi họ thì hầu như không có. Tại thời điểm đó, họ của người Nhật chỉ được sử dụng giới hạn trong các gia đình quyền thế. Những nhánh độc lập của hoàng tộc được Nhật Hoàng phong họ, trong khi các gia đình quí tộc từ xa xưa có họ riêng cho mình. Những dòng họ cổ này mang đậm màu sắc tôn giáo Thần đạo. Các tướng quân phong kiến thì được phong họ sau khi được cấp ấp, đất đai do công trạng của mình. Ngoài ra cũng có một số dòng họ do người Trung Quốc và Triều Tiên mang theo khi lánh nạn sang Nhật Bản từ thế kỷ thứ 4 về sau như họ Vương, họ Tần.

Vào đầu thời Minh Trị, trên 80% dân số Nhật Bản không có họ chính thức. Một bộ luật bắt buộc phải mang họ để nộp thuế được ban hành năm 1883 đã làm cho các tầng lớp dân thường như nông dân, thương nhân phải chọn và đăng ký họ. Đây là lý do chính làm bùng nổ số họ của người Nhật.

Việc đột nhiên phải chọn họ cho mình đương nhiên đã làm không ít người dân vốn ít chữ nghĩa phải lúng túng. Họ thường tìm đến người có chữ trong làng để xin họ, hoặc đơn giản là lấy cùng họ của những người láng giềng. Vậy nên không hiếm trường hợp cả làng lấy cùng một họ. Những họ được chọn phổ biến nhất là tên địa danh (Chiba, Wakamatsu...), đặc điểm địa hình như sông, núi, ruộng đồng (Mori, Yamada, Ogawa...), rồi phương hướng (Higashi, Nishimura...). Những họ này chiếm tới 90% trong số 120 nghìn họ của người Nhật. Cũng có những gia đình lấy nghề nghiệp làm họ của mình.

Một điều đáng chú ý là do sự hâm mộ đối với dòng họ nổi tiếng trong lịch sử là Fujiwara mà những dòng họ có ghép chữ fuji (còn đọc là to) vào tên địa phương như Kato, Ito, Ando, Sato, Saito, Koto, Goto trở nên khá phổ biến, trong khi những hậu duệ của Fujiwara mang họ Fujiwara, Fujikawa, Fujimoto... Họ Suzuki được ghép giữa chữ suzu (Linh) và chữ ki (Mộc) lấy từ Thần Mộc (cây thiêng trong đền) đều là những vật gắn liền với đền thờ Thần đạo, tôn giáo được nhà nước chủ trương chấn hưng trong thời kỳ này.

Những họ phổ biến và độc đáo

10 họ phổ biến nhất tại Nhật hiện nay là: 1. Sato, 2. Suzuki, 3. Takahashi, 4. Tanaka, 5. Watanabe, 6. Ito, 7. Yamamoto, 8. Nakamura, 9. Kobayashi và 10. Kato. Tuy nhiên, 100 họ phổ biến nhất cũng chỉ chiếm chừng 30% đến 40% dân số. Đại đa số họ của người Nhật gồm 2 chữ Hán, nhưng cũng không ít họ chỉ có 1 chữ Hán, thậm chí 1 âm, trong khi họ dài nhất được viết bằng 5 chữ Hán.

Một số họ mang nghĩa khá đặc biệt như những ví dụ sau.

Cách đọc-Cách viết-Nghĩa-Cách đọc-Cách viết-Nghĩa

Ibukuro-Dạ dày-Gokuraku-Cực lạc



Uki-Ngoại tình-Furo-Nhà tắm

Onigiri-‘Cơm nắm’-Kingyo-Cá vàng

Niizuma-Vợ mới-Muteki-Vô địch

Hige-Râu-Teppo-Đại bác



Điều đặc biệt là dù số lượng tên họ nhiều như vậy, hoàng tộc không có họ.

Tên của người Nhật

Tên của người Nhật thậm chí còn khó đọc hơn họ, do sự liên hệ giữa chữ viết và cách đọc hêt sức lỏng lẻo. Tên thường được chọn từ các chữ mang nghĩa may mắn hay đáng trân trọng, hoặc những từ chỉ thứ tự đứa trẻ được sinh ra trong nhà v.v... Thường thì cách đặt thứ hai được dùng phổ biến cho con trai. Đôi khi người ta dùng kết hợp cả hai cách đặt tên. Phổ biến là chữ viết cuối cùng của tên gọi là một tiếp vị ngữ chỉ giới tính. Vì vậy tên của con trai thường có tiếp vị ngữ ‘hiko’, ‘o’ hoặc ‘to’, còn tên của con gái có tiếp vị ngữ ‘ko’. Tên của phụ nữ cho đến thời Edo hầu như không dùng chữ Hán. Tên viết bằng chữ Hán chỉ vượt quá 50% khi bước vào thế kỷ 20.

Gần đây, có xu thế đặt tên con trai với những chữ mang ấn tượng nhanh, mạnh và khoáng đạt, trong khi tên con gái không dùng tiếp vị ngữ ko, với những chữ mang ấn tượng về vẻ đẹp, sự dịu dàng và dễ đọc khi phiên âm.

Thời kỳ sau chiến tranh, chính phủ Nhật Bản đã cố gắng đơn giản hoá hệ thống đặt tên phức tạp này bằng cách hạn chế số ký tự được sử dụng để đặt tên dựa theo một danh sách giới hạn đặc biệt được chính thức chấp nhận dùng để đăng ký khai sinh. Các bậc phụ huynh được khuyên là nên dựa vào đó để chọn tên con.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Mười món ăn kỳ lạ của người Nhật Bản - Trung tâm Nhật Ngữ Top-Globis

Trung tâm Nhật Ngữ Top-Globis

Ở Nhật, bên cạnh các món hấp dẫn như sushi, cơm hộp bento, tempura…thì cũng có rất nhiều món ăn được người ta coi là kỳ lạ nhưng lại rất phổ biến và khá được ưa chuộng. Sau đây là danh sách mười món ăn độc đáo, kỳ lạ của người dân đất nước mặt trời mọc.

1. Shirako



Đây là món ăn được chế biến từ cơ quan sinh dục của loài cá. Shirako là món ăn rất phổ biến tại hầu hết các quán rượu và các quán sushi ở Nhật.

2. Inago no Tsukudani (món ăn từ châu chấu)

Inago no Tsukudani là một trong những món ăn truyền thống từ côn trùng của người Nhật Bản. Món ăn này rất phổ biến với cư dân ở các vùng nông thôn của tỉnh Yamagata, tỉnh Nagano và quận Gunma (thuộc đảo Honshu).


“Inago” trong tiếng Nhật có nghĩa là châu chấu. Chỉ cần hầm châu chấu với tsukudani (một loại gia vị Nhật Bản thường được làm bằng cỏ biển đã được nấu nhừ trong nước tương, sake nấu và mirin) là đã có được món Inago no Tsukudani ngon lành.

3. Basashi (Thịt ngựa sống)


Vì thịt ngựa sống có màu đỏ nên người Nhật vẫn gọi món ăn này là “sakura” hoặc “sakuraniku”. “Sakura” có nghĩa là hoa anh đào, còn “niku” có nghĩa đơn giản là “thịt”.

Khi thịt ngựa được thái thành những lát mỏng người Nhật gọi đó là “basashi”. Nhiều quận huyện thuộc các tỉnh Kumamoto, Nagano hay Oita nổi tiếng với basashi và đây cũng là một đặc sản của vùng Tohoku nước Nhật.

Ngoài ra còn có basashi kem - một món tráng miệng quen thuộc và hấp dẫn được làm từ thịt ngựa.

4. Natto (Đậu nành lên men)


Natto là món rất nặng mùi, hương vị nặng và được làm từ đậu nành lên men. Natto được người Nhật Bản dùng phổ biến trong các bữa sáng.

5. Fugu (cá độc)

Fugu trong tiếng Nhật được gọi cho một món ăn làm từ cá độc, tiêu biểu là loài cá nóc. Các ký tự chữ Hán được dùng để viết “fugu” được dịch với nghĩa đen là “dòng sông bẩn”.



Thịt cá nóc ăn được. Tuy nhiên da, gan và buồng trứng của loài cá này lại chứa một lượng gây chết người của chất độc tetrododoxin. Nếu ăn phải một trong những thành phần này, chất độc sẽ làm tê liệt các cơ bắp trong khi nạn nhân vẫn rất tỉnh táo. Cuối cùng, người nhiễm độc cá nóc sẽ chết vì ngạt thở.

Những nhà hàng ở Nhật chỉ có thể chế biến và phục vụ Fugu khi đảm bảo được chất lượng đầu bếp. Đầu bếp chế biến fugu phải đảm bảo những điều kiện cơ bản. Họ phải qua một quá trình học tập, kinh nghiệm thực tập ít nhất từ 2 đến 3 năm, và cũng phải trải qua những kỳ thi Quốc Gia ở Nhật Bản.

6. Hachinoko (ấu trùng ong)



Một trong những món ăn ưa thích của vị thiên hoàng Hirohito là ong bắp cày nấu với gạo, đường và nước tương. Đây là món ăn giàu protein khá quen thuộc ở Nhật.

7. Zazamushi (Côn trùng thủy sinh)


Zazamushi khá phổ biến ở Nhật Bản cả trong việc đóng hộp và chế biến món ăn tại các nhà hàng. Zazamushi không phải được gọi cho một loại côn trùng duy nhất, mà được gọi chung cho những côn trùng thủy sinh sống ở các bờ sỏi cát ven sông.

8. Thịt cá voi





Bằng chứng khoa học từ Chương trình nghiên cứu cá voi của Nhật cho thấy rằng, cá voi được tiêu thụ trên toàn nước Nhật Bản, phổ biến nhất là một loại bánh mì kẹp (whaleburger) có nhân là thịt cá voi.

9. Shiokara (Hải sản lên men)


Shiokara là món hải sản lên men của người nhật. Shiokara có thể được chế biến từ nhiều loại cá kết hợp với muối.

10. Shirouo no Odorigui



Shirouo là những chú cá rất nhỏ, trong suốt và được ăn sống. Điều thú vị của món ăn này là cảm nhận những chú cá nhảy múa trong miệng khi ăn.




Trung tâm Nhật Ngữ Top-Globis
Sưu tầm

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Truyền Thuyết Hoa Anh Đào - Trung tâm Nhật Ngữ Top Globis

Trung tâm Nhật Ngữ Top-Globis gửi các bạn mẫu truyện hay về Hoa Anh Đào (Sakura)

Ngày xưa ở xứ Phù Tang chưa có hoa Anh Đào như bây giờ . Tại một ngôi làng xinh đẹp ven ngọn núi phú sĩ hùng vĩ ,có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi. Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ altnhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm :"hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó trở thành một kiếm sĩ lừng danh".
Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi .Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ , một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: "ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này"
Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh .Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình "oan nghiệt" và chấp thuận
 Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ .Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt ? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được, một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên phú sĩ sơn, đêm đã tràn ngập trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ
- Anh thân yêu ! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả ? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?
Nhìn vào bếp lửa, chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết :
- Chỉ buồn đau thôi  ? Không đâu! Đối với anh, thanh kiếm là sự nghiệp , là cuộc sống, là tất cả.....làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! anh chết mất! sao thời buổi này yên bình đến thế ? sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuống kiếm. Không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?
 Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi
- Anh thân yêu!cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi
Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim .Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo kimono trắng nõn,trinh bạch .chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!
 Nhưng từ đó ,chàng trai hoàn toàn cô độc . Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường haltẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu ...cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm : "Tha lỗi cho anh, anh đã hiểu ra rồi..."chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất....tuyết không ngừng rơi....đến sáng, tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm . Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy nên người ta đặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa được ươm mầm và trổ bông ở vùng Phú Sĩ.

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Rượu sake

Vào những buổi tối lạnh giá mùa đông, nhiều công tư chức Nhật Bản trên đường đi làm về thường tạt qua quán rượu, dùng vài món ăn nhẹ và uống rượu cùng với đồng nghiệp hoặc bạn bè – một cách để tạm quên ngày làm việc mệt nhọc, nói chuyện về một vài chủ đề thời sự hoặc bàn tán về các ngôi sao thể thao. Đương nhiên, quán rượu nào cũng có rất nhiều loại đồ uống như bia, rượu whiskey, brandy, vang, v,v… nhưng thích hợp nhất vào lúc đêm đông có lẽ là chén rượu sake nóng.
Sake là tên gọi chung các loại rượu Nhật Bản nhưng cũng là tên của một loại rượu ủ nổi tiếng của Nhật, khác với loại rượu cất gọi là shochu. Sản xuất rượu sake từ gạo được đưa vào Nhật Bản sau khi việc trồng lúa nước du nhập tới xứ Phù Tang khoảng năm 300 trước công nguyên, và những tài liệu đầu tiên viết về sake là vào thế kỷ 3 sau công nguyên. Thời xưa, rượu sake chủ yếu để phục vụ hoàng gia hoặc các đền chùa lớn, và thường được dùng trong các lễ hội tôn giáo. Khoảng cuối thế kỷ 12, sake mới bắt đầu trở thành thứ đồ uống phổ biến trong tầng lớp bình dân.
Quy trình sản xuất rượu sake hầu như không thay đổi trong vòng 400 năm qua. Tuy ngày nay, nhiều hãng rượu lớn sử dụng máy vi tính để kiểm soát các công đoạn, nhưng sake vốn được sản xuất theo kiểu thủ công, dưới sự chỉ đạo của một người nấu rượu chính giàu kinh nghiệm. Thậm chí hiện tại nhiều công ty nhỏ vẫn giữ cách ủ rượu theo lối truyền thống.

Thùng rượu sake

Cũng giống như đối với rượu vang làm từ nho, vị của rượu sake tùy thuộc vào chất lượng của các thành phần cơ bản là gạo và nước, chất lượng của men, điều kiện thời tiết khi ủ rượu, nhiệt độ ủ, cũng như kỹ thuật của người ủ rượu. Yếu tố quan trọng đối với vị của sake là nước vì nước chiếm đến 80% tổng số nguyên liệu. Nước dùng để sản xuất rượu thường là nước ngầm. Nhật Bản là một đất nước có lượng mưa rất lớn với khoảng 75% dất đai là núi. Nước mưa ngấm qua đất ở các vùng núi tạo thành nguồn nước ngầm rất phong phú, được khai thác sử dụng trên toàn Nhật Bản. Song, yếu tố quyết định mang lại thành công cho cả quá trình ủ rượu là kinh nghiệm và sự cảm nhận tinh tế của người nấu rượu chính.
Người ta ủ sake vào thời điểm lạnh nhất của mùa đông và sử dụng gạo vừa gặt trong mùa thu năm đó. Vào tháng 4, khi quá trình ủ rượu đã xong, người nấu rượu chính và chủ công ty là những người đầu tiên nhấp thử, cả hai đều có cùng một suy nghĩ trông chờ và lo lắng như khi đón đứa con chào đời.
Hiện có khoảng 3.000 hãng sản xuất rượu sake ở Nhật Bản, sản xuất trên 5.000 loại sake. Những khu vực sản xuất chính nằm ở các tỉnh Kyoto và Hyogo. Một số loại sake nổi tiếng trong nước được sản xuất tại các tỉnh Akita và Hiroshima.Sake địa phương, gọi là jizake, thì có rất nhiều loại và sản xuất ở khắp nơi.
Có lẽ được biết tới nhiều nhất là loại sake Nada của tỉnh Hyogo. Sản lượng ở đây chiếm đến 30% tổng sản lượng sake trong toàn quốc. Nguồn nước ở đây được coi là lý tưởng để sản xuất rượu sake vì có hàm lượng kali cao gấp 3 lần so với nước ở những nơi khác. Ngược lại, những chất làm biến đổi màu của sake như mangan và sắt thì lại hầu như không có. Các chuyên gia cho rằng nước ở khu vực Nada chảy qua rặng núi Rokko nên mang nhiều yếu tố thích hợp cho việc nấu rượu, đồng thời vì nơi đây nằm gần biển nên các tầng địa chất do trai, ốc tạo nên đã lọc đi những yếu tố xấu trong nước.
Sake nguyên chất nặng khoảng 40o còn những loại bán trên thị trường vào khoảng 32o. Sake chất lượng cao là loại pha trộn hài hòa giữa 5 vị (ngọt, chua, cay, đắng, se) và có hương thơm dịu. Sake để lâu càng thơm nhưng ít khi người ta để sake lâu hơn 1 năm.
Tùy theo sở thích mà người ta uống sake nóng hay lạnh và cách uống rượu của người Nhật là người này phải rót cho người kia. Sake nóng, gọi là atsukan, được đựng trong các bình gốm nhỏ gọi là tokkuri và dùng loại chén nhỏ gọi là choko. Hiện nay, nhiều người hâm rượu bằng cách cho vào lò vi sóng, nhưng đúng nhất là đặt tokkuri trong nước nóng cho tới khi sake đạt nhiệt độ khoảng 50oC trở lên. Cũng có loại sake đặc biệt chỉ để uống lạnh.
Người ta còn phân biệt rượu sake nữ và sake nam. Sake nam là loại làm từ nước cứng, có chứa nhiều muối can-xi và muối ma-giê, có vị hơi đắng. Sake nữ là loại làm bằng nước mềm, có vị dịu.
Sống trong xã hội hiện đại, người Nhật dần dần uống bia, rượu whiskey và vang nhiều hơn. Theo một điều tra, bia chiếm 70% lượng đồ uống có cồn tiêu thụ hàng năm ở Nhật Bản và sake chỉ chiếm dưới 20%. Tuy nhiên, sake vẫn là thứ đồ uống truyền thống phổ biến và được nhiều người ưa thích trong các dịp lễ quan trọng hoặc khi ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, nhất là ngắm hoa anh đào. Nhiều người nước ngoài sang Nhật Bản chỉ muốn thưởng thức bằng được loại đồ uống nổi tiếng này của Nhật Bản và khi về nước thường mua để làm quà./.

http://edu.top-globis.com
From toiyeunhatban.wordpress.com

Lễ hội Việt Nam 2010 tại Nhật Bản

Đây là năm thứ 3 Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức Lễ hội Việt Nam
Ngày 18/9, Lễ hội Việt Nam 2010 đã được khai mạc tại Công viên Yoyogi ở trung tâm Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Lễ hội năm nay có khoảng 40 gian hàng ẩm thực và 20 gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. Việt Nam từ lâu đã được nhiều người dân Nhật Bản biết đến như một quốc gia có nhiều món ăn ngon nổi tiếng như phở, nem rán…  




Bên cạnh các gian hàng ẩm thực và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, lễ hội năm nay sẽ có nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật của cả Việt Nam và Nhật Bản. Phía Việt Nam có sự tham gia của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và Nam Cường. Những người tham dự Lễ hội cũng sẽ được thưởng thức âm thanh đặc sắc của đàn T’rưng qua sự thể hiện của nghệ sỹ Nhật Bản Kumiko Orugi.
Theo ông Iwao Matsuda, nguyên Thượng nghị sỹ Nhật Bản, Đồng chủ tịch Ban tổ chức Lễ hội, Lễ hội năm nay là một hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội là dịp để người dân Nhật Bản hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Ban Tổ chức hy vọng trong hai ngày diễn ra Lễ hội Việt Nam 2010, sẽ có khoảng 100.000 lượt người đến thưởng thức các nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam./.

From vovnews.